Quy trình vay mua nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội là giải pháp tối ưu nhất đối với những người thu nhập thấp. Việc sở hữu một căn nhà ở xã hội giá rẻ nhưng chất lượng không thua kém nhà ở thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một môi trường sống ổn định. Tuy nhiên, với khả năng tài chính vẫn còn hạn chế chưa thể mua nhà, việc vay mượn vốn trở thành lựa chọn phổ biến nhất. Vậy, quy trình vay mua nhà ở xã hội như nào?

Quy trình xác nhận vay vốn dành cho những người muốn thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đòi hỏi một loạt các bước chặt chẽ và phê duyệt kỹ lưỡng. Các yêu cầu và tiêu chuẩn phê duyệt được đặt ra nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quá trình vay mượn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người cần vay vốn để có thể tiếp cận và sở hữu nhà ở xã hội một cách dễ dàng và hợp lý.

Trình tự thực hiện vay mua nhà ở xã hội

 

Bước 1. Người vay mua nhà ở xã hội

– Các thành viên hộ gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật, thỏa thuận và lập Giấy ủy quyền (mẫu số 01/UQ) cho 01 trong số các thành viên là đại diện đứng tên người vay và thực hiện các giao dịch với NHCSXH trước sự chứng kiến của Trưởng thôn (Giấy ủy quyền được nộp cho Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn). 

– Tự nguyện gia nhập Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại nơi cư trú hợp pháp;

– Viết Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/NƠXH) kèm các giấy tờ chứng minh về đối tượng và thực trạng nhà ở, điều kiện thu nhập, điều kiện cư trú gửi Ban quản lý Tổ TK&VV.  

Bước 2. Ban quản lý Tổ TK&VV

– Tổ chức họp Tổ TK&VV để bổ sung tổ viên (nếu có) và bình xét cho vay công khai theo Biên bản họp (mẫu số 10C/TD);

– Lập Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội tại NHCSXH (mẫu số 03a/NƠXH) kèm Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/NƠXH) của các tổ viên Tổ TK&VV và các giấy tờ chứng minh về đối tượng và thực trạng nhà ở, điều kiện thu nhập, điều kiện cư trú trình Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã xác nhận.

Bước 3. UBND cấp xã 

– Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao, Ban giảm nghèo cấp xã tổng hợp Hồ sơ vay vốn của các Tổ TK&VV và lập Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội tại NHCSXH (mẫu số 03b/NƠXH) trình Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận;

– UBND cấp xã xác nhận trên Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội tại NHCSXH (mẫu số 03b/NƠXH) và gửi trả toàn bộ hồ sơ vay vốn cho Ban quản lý Tổ TK&VV để gửi đến NHCSXH nơi thực hiện thủ tục.

Bước 4. NHCSXH nơi thực hiện thủ tục: Khi nhận được hồ sơ vay vốn do Ban quản lý Tổ TK&VV gửi đến, NHCSXH nơi thực hiện thủ tục xem xét, Thông báo cho người vay (mẫu số 07/NƠXH) mang hồ sơ vay vốn theo quy định đến Ngân hàng làm thủ tục vay vốn; 

Bước 5. Người vay mua nhà ở xã hội nộp các giấy tờ theo Thông báo nhận hồ sơ vay vốn (mẫu số 07/NƠXH) cho NHCSXH nơi thực hiện thủ tục;

Bước 6. NHCSXH nơi thực hiện thủ tục: Sau khi thẩm định Hồ sơ vay vốn, NHCSXH nơi thực hiện thủ tục gửi Thông báo phê duyệt cho vay (mẫu số 04a/NƠXH) hoặc Thông báo từ chối cho vay (mẫu số 04b/NƠXH) đến người vay.

Cách thức thực hiện vay mua nhà ở xã hội

Người vay mua nhà ở xã hội nộp bộ hồ sơ vay vốn trực tiếp tới Ban quản lý Tổ TK&VV nơi người vay cư trú hợp pháp và nộp cho NHCSXH nơi thực hiện thủ tục các giấy tờ theo thông báo nhận hồ sơ vay vốn của NHCSXH (mẫu số 04/NƠXH). Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày NHCSXH nơi thực hiện thủ tục nhận được bộ hồ sơ vay vốn đầy đủ, hợp lệ từ Ban quản lý Tổ TK&VV và Người vay vốn.

Thành phần hồ sơ vay mua nhà ở xã hội

Hồ sơ vay mua nhà ở xã hội.
Hồ sơ vay mua nhà ở xã hội.

* Người vay kê khai và nộp

– Giấy ủy quyền (mẫu số 01/UQ): 02 bản chính (01 bản lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục, 01 bản lưu hộ gia đình vay vốn NHCSXH).

– Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/NƠXH): 01 bản chính (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục);

– Giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở, điều kiện thu nhập:

+ Đối với người có công với cách mạng: Giấy tờ chứng minh về đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng: 01 bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục); Giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở (mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng): 01 bản chính (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục);  

+ Đối với: (i) Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; (ii) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; (iii) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; (iv) Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị: Giấy xác nhận về đối tượng, thực trạng nhà ở và điều kiện thu nhập (mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng): 01 bản chính (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục);

+ Đối với: (i) Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; (ii) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; (iii) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đã được xác nhận về đối tượng và điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trước ngày 15/8/2016, nhưng chưa có xác nhận về điều kiện thu nhập: Giấy xác nhận về đối tượng và điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội lập trước ngày 15/8/2016: 01 bản chính (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục) và Giấy kê khai về điều kiện thu nhập có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đang làm việc (mẫu số 07 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng): 01 bản chính (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục);

+ Đối với: (i) Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; (ii) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; (iii) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật; (iv) Người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị: Giấy tự khai về điều kiện thu nhập (mẫu số 06 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng): 01 bản chính (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục) và Giấy xác nhận về đối tượng, thực trạng nhà ở và điều kiện thu nhập (mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng): 01 bản chính (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục).

– Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú: 

+ Hộ khẩu thường trú hoặc Giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương nơi có nhà ở xã hội để xin mua: 01 bản sao có chứng thực (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục);

+ Trường hợp người vay vốn không có hộ khẩu thường trú theo quy định thì phải có: Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn từ một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn; Hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc Hợp đồng không xác định thời hạn; Giấy xác nhận (hoặc giấy tờ chứng minh) về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó đăng ký mua nhà ở xã hội (Trường hợp người mua nhà ở xã hội làm việc cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội mà việc đóng bảo hiểm tại địa phương nơi đặt trụ sở chính thì phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đặt trụ sở chính về việc đóng bảo hiểm): 01 bản sao có chứng thực (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục);

– Hợp đồng mua nhà ở xã hội (mẫu số 09 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng): 01 bản sao có chứng thực (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục);

– Giấy tờ chứng minh đã đóng tiền cho Chủ đầu tư để mua nhà ở xã hội theo Hợp đồng đã ký: 01 bản sao có chứng thực (lưu tại NHCSXH nơi thực hiện thủ tục);

* Ban quản lý Tổ TK&VV lập:

– Biên bản họp Tổ TK&VV đối với trường hợp kết nạp thêm tổ viên mới (mẫu số 10C/TD): 02 bản (01 bản chính lưu Tổ TK&VV, 01 bản sao lưu NHCSXH nơi thực hiện thủ tục);

– Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội tại NHCSXH (mẫu số 03a/NƠXH): 02 bản chính (01 bản gửi UBND cấp xã, 01 bản lưu Tổ TK&VV).

* Ban giảm nghèo cấp xã lập:

Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội tại NHCSXH (mẫu số 03b/NƠXH): 04 bản chính (UBND xã lưu 01 bản, Tổ TK&VV lưu 01 bản, NHCSXH nơi thực hiện thủ tục lưu 02 bản).

Số bộ hồ sơ 

01 bộ

Thời hạn giải quyết 

 Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày NHCSXH nơi thực hiện thủ tục nhận được bộ hồ sơ vay vốn đầy đủ, hợp lệ từ Ban quản lý Tổ TK&VV và Người vay vốn.

Đối tượng thực hiện vay mua nhà ở xã hội

Cá nhân, hộ gia đình   

Cơ quan thực hiện thủ tục vay mua nhà ở xã hội

–  Cơ quan có thẩm quyền quyết định: NHCSXH nơi thực hiện thủ tục.

– Cơ quan phối hợp: UBND cấp xã, Ban giảm nghèo cấp xã, các Tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác cấp xã; Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Ban quản lý Tổ TK&VV. 

 Kết quả thực hiện

Thông báo phê duyệt cho vay (mẫu số 04a/NƠXH).

Mức phí, tên phí

Không

Mẫu đơn, tờ khai vay mua nhà ở xã hội

– Giấy ủy quyền (mẫu số 01/UQ)

– Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/NƠXH);

– Các mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng:

+ Giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở (mẫu số 02);

+ Giấy xác nhận về đối tượng, thực trạng nhà ở và điều kiện thu nhập (mẫu số 03);

+ Giấy tự khai về điều kiện thu nhập (mẫu số 06);

+ Giấy kê khai về điều kiện thu nhập có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đang làm việc (mẫu số 07).

 Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục vay mua nhà ở xã hội

Điều kiện vay mua nhà ở xã hội.
Điều kiện vay mua nhà ở xã hội.

Khi vay vốn tại NHCSXH, Người vay mua nhà ở xã hội phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định và là thành viên Tổ TK&VV; 

– Người vay vốn là hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị: phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

– Người vay vốn là (i) Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; (ii) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; (iii) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; (iv) Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị: phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;

– Phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn;

– Có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị Hợp đồng mua nhà ở xã hội;

– Có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định;

– Có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH;

– Có Giấy đề nghị vay vốn để mua nhà ở xã hội trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác;

– Có Hợp đồng mua nhà ở xã hội với Chủ đầu tư dự án mà dự án của Chủ đầu tư đó có trong danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

– Thực hiện bảo đảm tiền vay: Bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. NHCSXH nơi thực hiện thủ tục, Chủ đầu tư và Người vay vốn phải thỏa thuận trong Hợp đồng ba bên về phương thức quản lý, xử lý tài sản bảo đảm.

Căn cứ pháp lý của thủ tục

– Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở;

– Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

– Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

– Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

– Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

– Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

– Thông tư số 26/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn trình tự, thủ tục thế chấp và giải chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai;

– Văn bản số 9496/NHNN-TD ngày 10/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc triển khai thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ-CP;

– Văn bản số 2526/NHCS-TDSV ngày 27/7/2016 của Tổng Giám đốc NHCSXH hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở./.

– Văn bản số 5650/NHCS-TDNN ngày 28/12/2016 của Tổng Giám đốc NHCSXH về việc bổ sung nội dung giao dịch dân sự giữa NHCSXH với hộ gia đình vay vốn kể từ ngày 01/01/2017.

Liên hệ trực tiếp phòng kinh doanh dự án Harbor Residence
📞 Hotline/Zalo : 0985.69.8955
📍 Địa chỉ: 142 – Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng
 ⚜️Fanpage: https://www.facebook.com/NOXHkho3lacvien.haiphong/
 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *